Tại sao traffic tăng nhưng không bán được hàng?

tại sao traffic lên nhưng không bán được hàng

Một khi bắt tay vào làm SEO, bạn chắc chắn sẽ làm quen với thuật ngữ traffic. Và có một câu hỏi mà đôi khi trong quá trình làm SEO bạn cũng khó tránh từ khách hàng, đó là tại sao traffic tăng nhưng không bán được hàng.

Traffic website tăng chứng tỏ bạn đã thành công trong việc tiếp cận khách hàng. Song giữa tiếp cận và chuyển đổi thành đơn hàng còn chịu tác động của rất nhiều yếu tố. Cùng DGM Asia tìm hiểu qua bài viết dưới đây!

Menu

1. Traffic là gì?

Trước tiên, mời bạn cùng DGM Asia tìm hiểu về traffic trước khi trả lời câu hỏi chính của bài viết!

1.1 Định nghĩa traffic

Traffic là một thuật ngữ trong lĩnh vực SEO, dùng để mô tả số lượng người truy cập vào website của bạn và hoạt động trên đó, tính bằng đơn vị lượt truy cập. 

Tóm gọn lại thì traffic có thể được gọi là lưu lượng truy cập. Khi lưu lượng truy cập cao lên, chứng tỏ quá trình SEO đã có tín hiệu hoạt động tốt.

Traffic là chỉ số giúp bạn theo dõi hành vi của người dùng và những từ khóa được người dùng tìm kiếm phổ biến nhất.

1.2 Traffic tiềm năng là gì?

Traffic tiềm năng là lượng traffic mà SEO-er ước tính một từ khóa có thể mang lại cho website của mình. Với mỗi từ khóa sẽ mang về lượng traffic website khác nhau.

Trước khi tiến hành SEO từ khóa, hầu như người làm SEO nào cũng đặt ra cho mình những mục tiêu nhất định về lưu lượng website traffic mà từ khóa mang lại.

Tóm lại, traffic tiềm năng là một trong những chỉ số quan trọng vì nó là điều mà doanh nghiệp mong muốn đạt được trong quá trình phát triển thương hiệu nói chung và làm marketing nói riêng.

Tham khảo: Những kinh nghiệm cần biết trước khi đầu tư SEO

2. Tại sao traffic tăng nhưng không bán được hàng?

Doanh thu bán hàng của một doanh nghiệp phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Hôm nay chúng ta sẽ bàn về những yếu tố cơ bản, thường gặp nhất và có định hướng khắc phục cụ thể để cải thiện tình trạng này cho doanh nghiệp của bạn.

2.1 Từ khóa không có tỉ lệ chuyển đổi cao

Có 2 sai lầm lớn trong việc chọn từ khóa mà nhiều SEO-er dễ mắc phải: chọn từ khóa ngắn có lượt tìm kiếm cao và chọn SEO những từ khóa thông tin.

Advanced Web Ranking báo cáo kết quả vào năm 2020, tỉ lệ CTR trung bình trên trang đầu tiên của kết quả tìm kiếm sẽ giảm dần ở 3 vị trí đầu như sau:

  • Vị trí số 1: 34,84%
  • Vị trí số 2: 16,45%
  • Vị trí số 3: 9,82%

Vậy, lấy ví dụ bạn SEO từ khóa “đồng hồ Hàn Quốc” với lượt tìm kiếm là 5.000 lượt/tháng và website của bạn lọt vào top 1. Tức là bạn sẽ kéo về được traffic khoảng 1.742 cho website. Nhưng từ khóa lọt top Google của bạn lại đang là từ khóa thông tin. Thực chất khách hàng tra cứu từ khóa thông tin trong tìm kiếm thường là những đối tượng chưa có nhu cầu mua hàng mà đang muốn tìm hiểu, tăng thêm hiểu biết về vấn đề mà họ quan tâm. Vì vậy việc bạn SEO những từ khóa này để thu về traffic cao sẽ không đồng nghĩa với tỉ lệ chuyển đổi cao.

Tương tự với các từ khóa ngắn có lượt tìm kiếm cao, có thể kể đến như “đồng hồ thời trang”, “đồng hồ cao cấp”,… có thể mang về traffic nhưng lại khá chung chung. Các keyword này không thể hiện được điểm nổi bật của bạn so với đối thủ, đồng thời không có tính điều hướng khách mua hàng hay mua dịch vụ của bạn. 

Thay vào đó, chọn những từ khóa với lượt tìm kiếm thấp hơn nhưng định hướng cụ thể có khả năng làm tăng tỉ lệ chuyển đổi cao hơn. Ví dụ: đồng hồ Hàn Quốc giá tốt TPHCM 2022, đồng hồ nam cao cấp dây da,…

Đây là lý do khiến traffic website về nhiều nhưng doanh thu chưa tăng như chỉ tiêu bạn đặt ra. Vạch ra một chiến lược SEO từ khóa đúng đắn, khôn ngoan mới đem về kết quả toàn diện cho cả quá trình.

2.2 Điều hướng giữa các trang không tốt

Điều hướng website là các đường dẫn trong website để kết nối đến nhiều trang khác nhau. Nếu điều hướng giữa các trang không tốt, người dùng sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thông tin họ cần, đặc biệt khi không tiếp cận được với sản phẩm/dịch vụ mà mình muốn nhanh chóng, khách hàng sẵn sàng đi tìm một website khác có sản phẩm hoặc dịch vụ tương tự.

Bạn có thể cải thiện điều hướng website bằng cách chèn link nội bộ về sản phẩm/ dịch vụ của mình vào các đoạn giới thiệu, mô tả trên trang chủ và xen kẽ trong phần nội dung bài viết trên website. Việc này cần được thực hiện một cách thật tự nhiên và khéo léo để gây hứng thú cho khách hàng click vào.

Ví dụ, trong bài giới thiệu bộ sưu tập đồng hồ mới, bạn có thể viết một đoạn mô tả như sau: Bộ sưu tập A (chỗ này chèn link về nhóm sản phẩm trong BST) được thiết kế dành cho cả 2 đối tượng nam (chèn link sản phẩm đồng hồ nam) và nữ (chèn link sản phẩm đồng hồ nữ). Với những đường nét thiết kế thanh lịch, nổi bật có thể đáp ứng mọi nhu cầu (ở đây có thể chèn link dẫn tới biểu mẫu thông tin khách hàng) sử dụng của bạn.

Bạn có thể tham khảo cách mà thương hiệu nổi tiếng Forever 21 chèn link nội bộ thật tự nhiên. Trong đoạn giới thiệu về các sản phẩm bán chạy nhất (Best sellers), F21 khéo léo dẫn link về các sản phẩm đầm len mùa đông, đầm body và cả dòng sản phẩm bán chạy của nam,…

Hay bạn có thể tham khảo cách chèn form lấy thông tin khách hàng của GTV SEO. Trong bài viết “Schema là gì? Hướng dẫn tạo Schema cho website từ A tới Z”, ở phần hướng dẫn tạo Schema, tác giả đã hướng dẫn bằng video đồng thời viết lại nội dung cụ thể. Tuy nhiên, để đọc được phần nội dung này, bạn cần đăng ký theo form dưới đây. Một cách tuyệt vời để lấy thông tin khách hàng!

Tham khảo cách chèn form lấy thông tin khách hàng từ GTV SEO

Tùy vào loại hình sản phẩm/ dịch vụ bạn cung cấp mà có những cách dẫn link phù hợp, nhằm khéo léo điều hướng khách hàng đến với trang đích mà không gây nên cảm giác khó chịu, ngắt quãng khi truy cập website.

2.3 Chất lượng sản phẩm không đáp ứng nhu cầu khách hàng

Xét cho cùng, chất lượng của sản phẩm và dịch vụ mới là điều cốt lõi trong môi trường kinh doanh đầy cạnh tranh.

Một chiến dịch marketing hiệu quả sẽ mang về cho bạn lượng traffic dồi dào và phủ sóng độ nhận diện thương hiệu rộng khắp. Nhưng, khi người dùng tham khảo website của bạn và không tìm thấy sự hứng thú ở sản phẩm vì chúng không tạo ra điểm khác biệt, nổi trội so với vô vàn sản phẩm, dịch vụ tương tự thì lượt traffic cao cũng không đồng nghĩa với doanh thu cao.

Bên cạnh đó, bạn còn phải hiểu được hành trình mua hàng của người dùng. Tác giả Philip Kotler đã đề cập trong cuốn Marketing 4.0 về mô hình mua hàng 5A thời nay như sau:

  • Awareness – Nhận biết: Khách hàng có nhu cầu về một sản phẩm/dịch vụ và bắt đầu tiếp cận với doanh nghiệp của bạn thông qua quảng cáo, sự giới thiệu của người quen, những người có sức ảnh hưởng (KOL). 
  • Appeal – Chú ý: Khách hàng bắt đầu chú ý hơn nếu dịch vụ của bạn có đặc điểm dễ ghi nhớ và nổi trội. Đặc biệt ở bước này bạn cần làm truyền thông mạnh mẽ để khắc sâu dịch vụ của mình trong tâm trí khách hàng.
  • Ask – Hỏi, Tìm hiểu: Khi đã bắt đầu có hứng thú, khách hàng sẽ muốn tăng độ tin tưởng với doanh nghiệp của bạn bằng cách tìm hiểu, tra cứu càng nhiều thông tin về bạn càng tốt, thông qua công cụ tìm kiếm, người quen, website của bạn,…
  • Action – Hành động: Cảm thấy hài lòng với thông tin tìm kiếm được, khách hàng sẽ tiến tới bước mua và sử dụng sản phẩm.
  • Advocate – Ủng hộ: Không phải chỉ bán được hàng là đủ, bạn cần tương tác, chăm sóc khách hàng chu đáo để biến họ thành những vị khách trung thành, sẵn sàng tiếp tục ủng hộ và hỗ trợ quảng bá thương hiệu.

Ở đây ngoài chất lượng của sản phẩm chiếm phần lớn, bạn còn cần chú trọng vào thông điệp marketing để cho người dùng cảm thấy ấn tượng và nhận ra điểm khác biệt.

Ví dụ, bạn làm chiến dịch quảng cáo cho doanh nghiệp bán đồng hồ đeo tay. Thay vì chọn thông điệp đồng hồ thời trang giúp xem giờ chính xác, một thông điệp quá đỗi bình thường mà thương hiệu nào cũng có thể nghĩ ra, hãy đánh trực diện vào mong muốn của khách hàng hơn. Chẳng hạn như: nàng thơ công sở luôn đi đúng giờ (đánh vào nhóm đối tượng khách hàng nữ làm văn phòng), hoặc phụ kiện nhỏ nâng tầm vị thế lớn (quảng cáo các mẫu đồng hồ nam cao cấp).

Một khi đã nắm bắt được hành trình mua hàng, bạn sẽ hiểu được tâm lý của người dùng để xây chiến lược marketing hiệu quả, cũng như cung cấp sản phẩm, dịch vụ chất lượng. Lúc đó mới đạt được mục đích cuối cùng là tăng doanh thu.

2.4 Giao diện website kém hấp dẫn

Nhiều doanh nghiệp mải tập trung vào doanh thu mà “ngó lơ” website chính của mình. Điều này là một sai lầm. Bởi vì đối với những khách hàng chưa hoặc không thể đến mua hàng trực tiếp, website là kênh chính thức để họ tìm hiểu, tương tác với doanh nghiệp và trực tiếp mua hàng.

Một giao diện website kém hấp dẫn thường mắc phải các lỗi liên quan tới các yếu tố:

2.4.1 Hình ảnh thương hiệu

  • Logo của thương hiệu đã chỉn chu chưa?
  • Font chữ và màu sắc đã nhất quán và thể hiện được cá tính thương hiệu chưa?
  • Những hình ảnh trên website có rõ nét và chất lượng cao không?
  • Nội dung có rõ ràng và dễ đọc?

Bạn phải giải quyết được những câu hỏi này để xây dựng được hình ảnh thương hiệu nhất quán và chuyên nghiệp. Bởi vì trang chủ website chính là bộ mặt mà khách hàng dùng để đánh giá thương hiệu của bạn.

2.4.2 Menu điều hướng chính

Khi người dùng truy cập vào một website, hành động cơ bản mà hầu hết ai cũng làm là sử dụng thanh menu điều hướng để tìm đến những thông tin, sản phẩm và dịch vụ mà họ cần, cũng như tiến hành thanh toán.

Nếu thanh menu điều hướng của website bạn không cung cấp đủ những mục mà người dùng quan tâm thì việc mua hàng và thanh toán sẽ bị gián đoạn hoặc gặp khó khăn, dẫn đến việc người dùng giảm hứng thú và có thể không muốn mua hàng nữa.

Menu điều hướng thường nằm ở đầu và cuối website của doanh nghiệp

Ngoài sản phẩm/ dịch vụ là mục quan trọng không thể thiếu trên menu điều hướng, bạn có thể dựa vào loại hình kinh doanh của doanh nghiệp mà thêm các liên kết khác như:

  • Giới thiệu: những thông tin tổng quan về doanh nghiệp gồm câu chuyện thương hiệu, tầm nhìn – sứ mệnh, thành tựu, người sáng lập, đội ngũ nhân viên,… để khách hàng hiểu về thương hiệu.
  • Liên hệ: tất cả thông tin liên hệ để khách hàng tìm thấy bạn ngay khi có nhu cầu.
  • Vận chuyển: thông tin về chính sách vận chuyển để người dùng an tâm khi nắm được mức phí họ cần trả.
  • Thắc mắc/ FAQ: một số câu hỏi thường gặp về sản phẩm và dịch vụ giúp khách đỡ băn khoăn trước khi chính thức mua hàng.

Với các trang bán hàng, đặc biệt là mặt hàng thời trang thì nên thêm mục Ưu đãi (giới thiệu những chương trình khuyến mãi hiện hành) và Cửa hàng (danh sách hệ thống cửa hàng để khách thuận tiện trong việc mua trực tiếp).

Một số thông tin phụ nên được để ở cuối trang, tránh nhồi nhét tất cả lên menu chính đầu trang. Các mục nên để ở menu điều hướng cuối trang: điều khoản và điều kiện, chính sách đổi trả, review,…

2.4.3 Tính thân thiện với điện thoại

Bạn đừng quên về tầm quan trọng của chiếc điện thoại. 

Từ năm 2019, chính Google đã lập chỉ mục ưu tiên thiết bị di động và công nhận những hoạt động được thực hiện trên điện thoại mới là hoạt động chính. Và có thể chỉ đến năm 2025, 73% người dùng sẽ chỉ thuần túy truy cập internet bằng điện thoại.

Điều này có nghĩa: trang web của bạn bắt buộc phải tương thích với thiết bị di động nếu không bạn sẽ có nguy cơ mất một lượng lớn khách hàng tiềm năng.

Thậm chí việc này không chỉ làm website và doanh nghiệp của bạn bị trừ điểm trong mắt khách hàng, mà Google cũng sẽ đánh giá website của bạn thấp vì không hỗ trợ đa tương thích đối với những lượt tìm kiếm trên điện thoại di động. Dẫn đến thứ hạng của bạn trên Google cũng sẽ giảm xuống.

Bạn có thể dùng công cụ Mobile-friendly (miễn phí) của Google để kiểm tra website của mình có tính thân thiện với di động hay không.

2.5 Nội dung kém chất lượng

Khi giao diện website của bạn đã có đủ khả năng thu hút khách hàng, điều tiếp theo họ quan tâm chính là nội dung mà bạn cung cấp trong website.

2.5.1 Lời kêu gọi hành động (Call-to-action)

Trang protocol 80 đã tổng hợp một vài số liệu về sức ảnh hưởng của Call-to-action (CTA):

  • Hơn 90% người ghé thăm website của bạn một khi đọc headline sẽ đọc luôn phần CTA.
  • Email với một lời call-to-action cũng có thể tăng lượt click lên 371% và lượt bán hàng lên tới 1617%.
  • Thêm CTA trên fanpage có thể tăng tỉ lệ nhấp lên 285%.

Chỉ một vài con số cũng đủ cho thấy tầm quan trọng của CTA, dù là trên website hay Facebook, email,… Vì vậy đừng bao giờ quên đầu tư một lời call-to-action chất lượng. Sở hữu một website đẹp, chỉn chu nhưng thiếu đi phần CTA chẳng khác nào tự đánh mất cơ hội để khách hàng chạm vào sản phẩm/ dịch vụ của mình.

Một số “power words” có thể giúp tăng tỉ lệ chuyển đổi mà bạn nên cân nhắc đưa vào CTA (Nguồn:https://wistia.com/learn/marketing/using-video-ctas)

2.5.2 Nội dung trong trang web

Dù có làm SEO hay không, content kém chất lượng luôn là một điểm trừ lớn mà người truy cập dành cho website của bạn.

Content marketing quan trọng như thế nào thì hãy để những con số tổng hợp từ trang Visme chứng minh cho bạn:

Đây là những lý do phổ biến nhất mà người làm marketing đầu tư xây dựng content (Nguồn: https://visme.co/blog/content-marketing-statistics/)

Câu từ, ngôn ngữ mà bạn sử dụng trên website cần đánh đúng trọng tâm và có tính thuyết phục, nhưng đồng thời phải trung thực về sản phẩm và dịch vụ. Những câu văn dài dòng, lan man và đặc biệt là khuếch trương đặc điểm của sản phẩm/ dịch vụ mà bạn cung cấp sẽ nhanh chóng khiến người mua mất hứng thú. Tệ hơn là họ sẽ giảm mức độ tin tưởng đối với doanh nghiệp. 

Ví dụ, sản phẩm mà bạn muốn bán là mẫu đồng hồ đến từ Hàn Quốc và được lắp đặt tại Trung Quốc, hãy cứ trung thực mô tả về nó, chỉ cần khéo léo làm nổi bật các tính năng vượt trội nó mang lại, đồng thời sẽ là một điểm cộng lớn khi bạn lồng ghép những câu chuyện thương hiệu vào.

Con số thống kê từ trang Content Marketing Institute có thể khiến bạn ngạc nhiên: 69% những người làm marketing thành công đã chọn xây dựng content theo hướng storytelling. 

(Nguồn:https://visme.co/blog/content-marketing-statistics/)

Khi việc marketing online bùng nổ trong thời đại số, không ít người dùng đã dần đánh mất hứng thú đối với những nội dung bán hàng thuần túy. Một website với phần nội dung lồng ghép câu chuyện duyên dáng, có đối tượng khách hàng cụ thể sẽ khiến người truy cập vào cảm giác đây là website đáng tin dành cho mình.

2.6 Dịch vụ chăm sóc khách hàng kém

Nguyên do này quả thực không cần phải chứng minh khi bạn có thể tự lấy ví dụ ở bản thân. Tưởng tượng bạn đang có nhu cầu mua hàng và tìm thấy một trang web phù hợp, nhưng nhắn tin hay gọi hỗ trợ đều không có ai trả lời. Có lẽ chẳng cần mất đến một ngày để bạn quyết định chọn một nhà cung cấp khác. 

Các dịch vụ khách hàng rất quan trọng đối với việc khách hàng có “chốt đơn” hay không. Hãy đầu tư nghiêm túc vào các dịch vụ tư vấn online, tổng đài hỗ trợ (hotline), dịch vụ thanh toán, giao hàng,… để mang đến cho khách hàng cảm giác trọn vẹn khi chọn doanh nghiệp của bạn. 

Tóm lại, dịch vụ chăm sóc khách hàng càng chu đáo, nhanh chóng thì tỉ lệ chuyển đổi càng có khả năng tăng cao và tăng nhanh.

2.7 Thời gian tải trang lâu

Tốc độ tải trang là một trong những yếu tố quyết định mức độ ưa thích của người dùng dành cho website của bạn. Một trang web mất đến hơn 1 phút để load thì sẽ khó giữ chân được người dùng trong thời đại 4.0 này.

Một số cách mà bạn có thể áp dụng để cải thiện tốc độ tải trang:

  • Tối ưu hóa hình ảnh
  • Giảm số lượng HTTP
  • Tối ưu hóa database
  • Giảm chuyển hướng
  • Sử dụng web hosting chất lượng cao
  • Bật bộ nhớ đệm của trình duyệt
  • Sử dụng CDN (Content Delivery Network)
  • Bỏ bớt plugin thừa

2.8 Việc đặt hàng khó khăn

Với một website bán hàng, điểm trừ lớn nhất chính là gây khó khăn cho người dùng trong việc đặt hàng. Khi khách hàng đã hài lòng với những nội dung mà bạn cung cấp trên website và lựa chọn được sản phẩm ưng ý, điều mà họ mong muốn nhất là có thể thực hiện các thao tác mua hàng đơn giản, nhanh gọn.

Nếu traffic tăng nhưng không bán được hàng, hãy kiểm tra xem website của bạn đã có mục “Tìm kiếm” để người dùng tìm sản phẩm mong muốn, mục “Giỏ hàng” và “Thanh toán” để người dùng tiến hành mua sản phẩm chưa. Đừng quên thêm phần Ưu đãi/ Mã giảm giá vào bước thanh toán để khách hàng có thể sử dụng những ưu đãi từ dịch vụ của bạn.

2.9 Thiếu thông tin sản phẩm

Menu điều hướng chính cung cấp đầy đủ danh mục sản phẩm và dịch vụ, nhưng khi click vào thì chỉ thấy tên sản phẩm và giá, điều này ít nhiều sẽ gây hoang mang cho người dùng trong việc quyết định đặt mua.

Tùy vào sản phẩm bạn bán mà bổ sung thông tin phù hợp. Tuy nhiên nhìn chung hãy đảm bảo trên trang sản phẩm cung cấp những thông tin sau:

  • Mô tả chung
  • Chất liệu
  • Kích cỡ
  • Màu sắc
  • Tính ứng dụng
  • Ưu đãi cho sản phẩm (nếu có)

2.10 Thiếu độ uy tín của thương hiệu

Trước sự phát triển mạnh mẽ của các ngành dịch vụ, sức cạnh tranh cũng ngày càng tăng cao. Sự lựa chọn của người tiêu dùng sẽ đặt ở nơi mà họ cảm thấy uy tín nhất. Vậy những yếu tố nào trên website sẽ góp phần tăng thêm mức độ uy tín cho thương hiệu của bạn?

  • Hotline: Bạn phải cung cấp số điện thoại thực, có chuyên viên trực hotline để mỗi khi khách hàng gọi sẽ có người tư vấn ngay lập tức.
  • Chat online: Tương tự như hotline, khung chat online này cũng cần có người trực liên tục và được đầu tư chỉn chu. Việc giải đáp thắc mắc nhanh chóng sẽ làm tăng niềm tin cho khách hàng về khả năng vận hành của doanh nghiệp.
  • Địa chỉ: Cung cấp địa chỉ thực để khi khách hàng tra cứu có thể lập tức tìm thấy bạn trên Google maps, hoặc dễ dàng đến mua trực tiếp, tránh cho khách hàng nỗi lo lắng bị lừa đảo hay gặp phải “công ty ma”.
  • Review/ đánh giá sản phẩm: Ngày nay một mặt hàng/ dịch vụ luôn có rất nhiều nơi cung cấp với nhiều mức giá khác nhau. Người tiêu dùng cũng ngày càng tinh tế và kỹ tính hơn, ngoài những yếu tố kể trên, họ sẽ dựa vào phần đánh giá sản phẩm để tham khảo trải nghiệm của người dùng trước, từ đó quyết định có tin tưởng doanh nghiệp của bạn hay không. Để tăng độ uy tín, trang web của bạn nên bổ sung phần review/ đánh giá này ngay phía dưới mỗi sản phẩm.

3. Một số câu hỏi thường gặp

3.1 Có thể tự theo dõi quá trình trải nghiệm của người dùng trên website bằng công cụ nào?

Bạn có thể theo dõi, xem xét kỹ về dữ liệu website của mình bằng Google Analytics của Shopify. Còn đối với hành trình mua hàng thực tế của người dùng trên website, hãy truy cập ứng dụng Lucky Orange hoặc Hotjar để tìm hiểu. Hotjar sẽ cho phép bạn xem được video ghi lại trải nghiệm của người dùng trên trang web của bạn.

3.2 Nếu bài viết đã lâu không có traffic thì nên khắc phục ra sao?

Nếu bài viết đã được đưa lên khá lâu mà không thấy có traffic, bạn có thể Audit lại bài viết, phân tích từ khóa để điều chỉnh bài viết chuẩn SEO. Bổ sung Backlink vào bài viết giúp tăng tín hiệu và chỉnh sửa Internal link về bài viết đó.

3.3 Nếu thấy traffic tăng lên nhưng không bán được hàng thì có nên dừng đầu tư SEO lại không?

SEO là một quá trình dài mà một khi đã đầu tư thì cần kiên trì theo dõi để thấy được kết quả và khi đã có kết quả thì sẽ được duy trì bền bỉ theo thời gian. Vì thế trong quá trình làm SEO, nếu đã có nhiều tín hiệu khả quan mà vẫn chưa bán được hàng, đừng dừng SEO ngay lập tức mà hãy kiểm tra và tối ưu lại các yếu tố mà chúng tôi đã đề cập trong bài viết, khả năng chuyển đổi sẽ được tăng lên. Bên cạnh đó, để có được hiệu quả bán hàng nhanh chóng, bạn có thể kết hợp song song chạy quảng cáo Google Ads và Facebook Ads.

Tham khảo: Khi nào cần SEO, ngành nào nên SEO

Traffic website tăng luôn là mong muốn của toàn thể dân SEO vì nó cho thấy bạn đang làm tốt công việc của mình. Thực tế trong kinh doanh sẽ không tránh khỏi những lúc đầu tư nhiều mà không ra đơn. Đừng vội nản lòng và bỏ ngang công sức của mình, hãy kiểm tra lại từng vấn đề một để tìm xem nguyên do traffic lên nhưng không bán được hàng đến từ đâu, từ đó đưa ra giải pháp khắc phục phù hợp. Tất cả mọi khó khăn liên quan đến marketing online bạn đều có thể liên hệ dịch vụ SEO của DGM Asia – chúng tôi cung cấp giải pháp toàn diện giúp doanh nghiệp tăng doanh số và phát triển bền vững.

093 830 7010