Trong quá trình học và làm SEO để phát triển website tối ưu, đưa website lên thứ hạng cao nhất trên công cụ tìm kiếm, bạn có thể lọt vào tầm ngắm của Google nếu vi phạm các quy tắc của họ. Vậy cụ thể thì các hình phạt của Google là gì? Website bị google phạt liệu có khôi phục lại tình trạng ban đầu được hay không? Bài viết này của DGM Asia sẽ cho bạn câu trả lời!
Menu
1. Các dấu hiệu cho thấy website bị Google phạt
1.1 Bị Google phạt là gì?
Google là một công cụ tìm kiếm khổng lồ, với hơn 7 tỉ lượt tìm kiếm mỗi ngày (theo thống kê từ Worldometers). Vì thế bất cứ doanh nghiệp nào cũng muốn website của mình xuất hiện trên đó với thứ hạng cao nhất. Để đáp ứng điều này, rất nhiều SEO-er dày dặn kinh nghiệm đã “ra tay” thực hiện nhiều thủ thuật SEO hiệu quả nhằm nâng cao thứ hạng của website.
Tuy nhiên, giống như một cuộc chơi, để công bằng và đảm bảo quyền lợi cho người chơi lẫn người xem, Google tung ra một số luật cụ thể. Ai vi phạm sẽ bị phạt. Tùy theo việc bạn vi phạm điều gì mà án phạt dành cho trang web của bạn nặng hay nhẹ.
Tựu trung lại thì việc bị Google phạt sẽ khiến website của bạn mất đi một lượng lớn organic search, traffic, từ đó có nguy cơ mất đi khách hàng tiềm năng, tỉ lệ chuyển đổi và nặng nề hơn là ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh.
1.2 Dấu hiệu cho thấy website bị Google phạt
Vậy làm sao để biết website của bạn đang phải nhận hình phạt của Google?
Việc traffic không lên có nhiều nguyên nhân, không phải tất cả đều bắt nguồn từ việc bị Google phạt. Bạn cần phân biệt được giữa việc bạn làm SEO không phù hợp với thuật toán xếp hạng của Google, và việc đang làm SEO tốt thì đột ngột nhận hình phạt khiến cho công sức SEO bị ảnh hưởng. Hai khái niệm này rất dễ bị nhầm lẫn, kể cả dân trong nghề.
1.2.1 Vi phạm thuật toán
Google cho ra đời những thuật toán và cập nhật liên tục nhằm hạn chế sự xuất hiện của các trang web chất lượng thấp, không đáp ứng được tiêu chí xếp hạng của Google trên thanh công cụ tìm kiếm.
- Bạn làm SEO liên tục nhưng thứ hạng website vẫn lẹt đẹt.
- Quá trình SEO của bạn đang tiến triển tốt thì traffic bỗng giảm dần, từ khóa tuột hạng từ từ, website rớt top.
- Kiểm tra Search Console không có bất kỳ thông báo nào.
Thì nhiều khả năng quá trình SEO của bạn đã vi phạm thuật toán của Google, khiến cho website của bạn không đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng trong Google Webmaster Guidelines (Nguyên tắc quản trị trang web). Từ đó thứ hạng website không được cao như kỳ vọng, thậm chí không xuất hiện trên Google SERP.
1.2.2 Hình phạt thủ công
Trong trường hợp bạn đang trên đà SEO ổn định, traffic cao, lượt tương tác mạnh bỗng nhận thấy website của mình có một trong các dấu hiệu sau đây:
- Từ khóa bị rớt top trầm trọng
- Traffic website giảm đáng kể hoặc mất hết traffic trong thời gian ngắn.
- Lượt tương tác giảm mạnh.
- Những chỉ số đánh giá website mất dần.
- Mất index số lượng lớn.
- Search Console gửi báo cáo về.
Chứng tỏ bạn đã bị Google phạt!
Sự khác biệt lớn và đáng chú ý nhất là đối với hình phạt thủ công bạn sẽ nhận được “Báo cáo thao tác thủ công” qua Google Search Console, còn khi website của bạn bị ảnh hưởng bởi thuật toán thì sẽ không có thông báo nào cả.
Đối với những hình phạt thủ công, bạn cũng sẽ được tương tác trực tiếp với Google. Vì họ sẽ yêu cầu bạn giải thích vấn đề và trình bày phương án giải quyết trong phần “Yêu cầu xem xét lại”.
Cách kiểm tra án phạt là truy cập vào Google Webmaster Tool ➜ click chọn mục Manual Actions – Bảo mật và thao tác thủ công để xem các thông báo.
Trên đây vừa là những dấu hiệu vừa là hậu quả mà website của bạn phải nhận khi bị Google phạt. Có hình phạt có cách khắc phục, có những hình phạt sẽ không có cách khắc phục hiệu quả 100%. Trong những trường hợp bị phạt nặng, cách tối ưu nhất về thời gian và tiền bạc chính là bỏ domain đi và xây dựng lại trên domain mới.
2. Tổng hợp các hình phạt thủ công của Google
Để tránh nhầm lẫn giữa các thuật toán của Google và hình phạt thủ công, cũng như giúp bạn có cái nhìn rõ hơn về chủ đề này, DGM Asia sẽ tổng hợp tất cả những hình phạt thủ công của Google ngay bên dưới.
Hầu hết các hình phạt thủ công đều dùng để xử lý những hành vi nhằm thao túng thứ hạng trên công cụ tìm kiếm. Đây là những lỗi phạt mà một khi mắc phải, bạn sẽ nhận được thông báo từ Google. Nắm rõ những lỗi phạt này sẽ giúp bạn đưa ra được chiến lược khắc phục nhanh chóng và hiệu quả cho website của mình.
2.1 Nội dung vi phạm do người dùng hoặc bên thứ ba tạo
Google có đề cập đến vấn đề này như sau:
“Nếu nhận được cảnh báo của Google về loại nội dung vi phạm này thì bạn không cần lo lắng. Chúng tôi tin rằng website của bạn có đủ chất lượng và chúng tôi không cần áp dụng hình phạt thủ công lên toàn bộ website. Tuy nhiên, nếu trang web của bạn có quá nhiều nội dung vi phạm do người dùng tạo ra, điều này tác động đến kết quả đánh giá tổng thể của chúng tôi dành cho website của bạn – kéo theo việc chúng tôi thực hiện biện pháp thủ công lên toàn bộ website.”
Trường hợp này thường gặp trên các forum, blog và trang profile. Ở các dạng website này, có nhiều trường hợp người dùng truy cập vào có thể để lại các bình luận dạng spam, comment tự động. Vì vậy cách tốt nhất là ngay từ đầu, trong quá trình xây dựng website, bạn hãy cài đặt kiểm duyệt nội dung do người dùng tạo trước khi đăng lên.
Nhìn chung, khi mắc phải lỗi phạt này bạn không cần quá lo lắng, nếu ngoài vấn đề này ra mà website của bạn vẫn chất lượng, thì Google hoàn toàn có thể nhận định được và sẽ gửi cảnh báo, nhắc nhở thay vì gắn cờ trên toàn bộ trang.
2.2 Free host chứa nội dung vi phạm
Sử dụng free host dễ tồn tại rủi ro lớn vì các dịch vụ miễn phí thường có độ tin cậy thấp, đặc biệt thường chứa nhiều dạng quảng cáo spam vô cùng khó để kiểm soát.
Google đã cảnh báo: họ sẽ cố gắng đưa ra quyết định chính xác nhất khi áp dụng hình phạt thủ công lên các nội dung vi phạm. Tuy nhiên, nếu hầu hết các trang trên một dịch vụ free host đều có nội dung vi phạm, Google hoàn toàn có thể áp dụng hình phạt thủ công lên toàn bộ dịch vụ.
Hãy sử dụng những dịch vụ hosting lớn, uy tín thay vì chọn các free host có thể mang tới cho bạn những hệ lụy không đáng có.
2.3 Vấn đề về dữ liệu có cấu trúc
Một số Rich Snippets mà Google phát hiện trên các website của bạn có thể đang sử dụng các kỹ thuật vi phạm nguyên tắc về dữ liệu có cấu trúc thì bạn sẽ bị phạt.
Ví dụ các trường hợp sau: đánh dấu nội dung không hiển thị với người dùng, đánh dấu nội dung không liên quan hay gây hiểu lầm hoặc có hành vi thao túng.
Dưới đây là một số vấn đề về dữ liệu có cấu trúc cụ thể:
- Nội dung trên trang khác với dữ liệu có cấu trúc: trang không có nội dung tuyển dụng nhưng hệ thống lại tìm thấy dữ liệu có cấu trúc JobPosting.
- Trang tuyển dụng lại có yêu cầu tìm kiếm công việc thay vì tuyển người cho một công việc nào đó.
- Không thể gửi hồ sơ ứng tuyển trên trang tuyển dụng.
- Địa điểm làm việc không chính xác.
- Người ứng tuyển phải trả phí.
Và một số trường hợp tương tự khác. Các SEO-er cần lưu ý tuân thủ đúng các nguyên tắc dữ liệu website này ngay từ ban đầu để tránh bị Google “tuýt còi”.
2.4 Backlink bất thường dẫn đến website của bạn
Đây là lỗi phạt mà Google phát hiện ra các backlink bất thường, giả, có tính lừa đảo hoặc nhằm mục đích thao túng dẫn đến trang web của bạn. Tất cả các hành vi mua bán backlink hoặc tham gia vào mưu đồ liên kết nhằm thao túng thứ hạng đều vi phạm Nguyên tắc quản trị trang web của Google.
Đối với lỗi Google có thể thực hiện biện pháp thủ công với một phần hoặc toàn bộ trang web của bạn tùy vào mức độ.
Việc backlink bất thường cũng có thể xuất phát từ sự cạnh tranh không lành mạnh của đối thủ, vì vậy ngoài việc xây dựng backlink chuẩn SEO, đúng nguyên tắc, bạn còn nên thường xuyên kiểm tra link.
2.5 External link bất thường từ website của bạn
Google sẽ để ý và đưa vào tầm ngắm những đường liên kết xuất phát từ trang web của bạn ra ngoài bất thường, thiếu tự nhiên, lừa đảo hoặc có tính lôi kéo.
Lỗi này cũng sẽ được Google xử lý tương tự lỗi phạt trên.
Kiểm soát external link dễ hơn backlink nên đối với hình phạt này, bạn sẽ không gặp nhiều khó khăn khi sửa đổi hoặc xóa bỏ các external link này trên trang quản trị nội dung.
2.6 Thin content, nội dung quá ít hoặc không có giá trị
Một khi Google phát hiện ra trang web của bạn có nội dung chất lượng thấp, quá nghèo nàn và không cung cấp giá trị gì, bạn sẽ bị phạt!
Dưới đây là một số ví dụ phổ biến về những website có nội dung nghèo nàn, cung cấp ít hoặc không cung cấp giá trị cho người dùng:
- Nội dung được tạo tự động
- Trang liên kết sao chép
- Nội dung copy, trộn lẫn từ các nguồn khác, spin content
- Các trang ngõ (Doorway pages)
Lỗi sai này vừa không cung cấp cho người dùng nội dung độc đáo hay có giá trị, mà còn vi phạm Nguyên tắc quản trị trang web của Google, vì thế người làm SEO không chỉ cần tập trung vào các thủ thuật SEO mà phải luôn nghiêm túc đầu tư nội dung cho website của mình, dù website mới được xây dựng hay đã hoạt động từ lâu.
2.7 Kỹ thuật che giấu/ Chuyển hướng lén lút
Định nghĩa của 2 hành vi này như sau:
- Kỹ thuật che giấu là hành vi cho người dùng xem nội dung hay URL khác với nội dung hay URL mà công cụ tìm kiếm nhìn thấy.
Ví dụ: Cung cấp một trang có văn bản HTML cho công cụ tìm kiếm nhưng khi người dùng click vào lại là một trang có hình ảnh.
- Chuyển hướng lén lút là hành vi đưa khách truy cập tới một URL khác với URL mà họ yêu cầu. Có một số lý do chính đáng để chuyển hướng URL tới một URL khác, ví dụ như di chuyển trang web của bạn qua địa chỉ mới hoặc trường hợp nhiều trang hợp nhất thành một trang. Tuy nhiên có nhiều trường hợp hành vi chuyển hướng là để đánh lừa công cụ tìm kiếm và người dùng.
Ví dụ: Cho công cụ tìm kiếm xem một loại nội dung nhưng lại cho người dùng xem một loại nội dung khác. Hoặc người dùng trên máy tính nhận được một trang, trong khi người dùng điện thoại được chuyển hướng đến một trang hoàn toàn khác.
Cả 2 hành vi này đều bị Google coi là lừa đảo và ra quyết định xử phạt lên website của bạn. Ở đây để chuyển hướng người dùng một cách hợp lệ, bạn có thể sử dụng JavaScript.
2.8 Chuyển hướng lén lút trên thiết bị di động
Các bạn cũng biết rằng trải nghiệm cùng một website bằng máy tính bàn và điện thoại di động thường có sự khác biệt nhất định. Đặc biệt là các trang web bán hàng. Để tối ưu hóa cho không gian nhỏ hơn của màn hình điện thoại, trong quá trình làm web người thiết kế web phải sửa đổi một số nội dung, đặc biệt là kích cỡ hình ảnh cho hợp với giao diện điện thoại. Vì vậy việc hiển thị nội dung hơi khác biệt trên các thiết bị khác nhau là một chuyện không còn xa lạ.
Chuyển hướng người dùng di động từ URL này sang URL khác để có thể trải nghiệm tốt hơn (miễn là nội dung tương đồng) là một việc hoàn toàn hợp pháp. Tuy nhiên, việc lén chuyển hướng người dùng thiết bị di động đến nội dung khác sẽ dẫn đến trải nghiệm người dùng kém và bị Google phạt.
Lệnh chuyển hướng lén lút trên thiết bị di động không phải lúc nào cũng do chủ sở hữu trang web tạo ra một cách có chủ đích. Dưới đây là ví dụ về các loại cấu hình có thể gây ra lệnh chuyển hướng lén lút trên thiết bị di động:
- Thêm mã tạo quy tắc chuyển hướng đối với người dùng điện thoại di động.
- Sử dụng tập lệnh hoặc phần tử để hiển thị quảng cáo và chuyển hướng người dùng thiết bị di động.
- Tập lệnh hoặc phần tử do tin tặc thêm vào để chuyển hướng người dùng di động đến các trang web độc hại.
2.9 Che giấu hình ảnh
Trong kết quả tìm kiếm trên Google, một số hình ảnh trên trang web của bạn có thể hiển thị không giống với khi người dùng truy cập vào chính trang web.
Nói nôm na, kỹ thuật che giấu là hành động hiển thị nội dung khác cho người dùng so với khi hiển thị trên Google. Và việc này là một hành vi vi phạm Nguyên tắc quản trị trang web của Google. Việc che giấu hình ảnh có thể gây ra trải nghiệm không tốt cho người dùng đối với kết quả tìm kiếm hình ảnh của Google.
Ví dụ về hình ảnh bị che giấu:
- Cung cấp cho Google các hình ảnh bị che khuất bởi một hình ảnh hoặc đoạn văn bản khác.
- Cung cấp cho Google hình ảnh khác với hình ảnh hiển thị cho khách truy cập trang.
2.10 Văn bản ẩn hoặc nhồi nhét từ khóa
Nếu Google phát hiện website của bạn đang chứa những đoạn văn bản ẩn hoặc văn bản nhồi nhét từ khóa vô tội vạ, bạn sẽ nhận được lời nhắc nhở trong Search Console.
Văn bản ẩn có thể là đoạn văn có màu sắc trùng với màu nền của website, khi nhấn tổ hợp phím Ctrl + A hoặc Command + A thì mới phát hiện ra.
Còn hành vi nhồi nhét từ khóa thì khá thường gặp ở các trang web bán hàng. Bạn có thể xem một ví dụ trực quan ở hình bên dưới:
2.11 Nội dung AMP không trùng khớp
Đây là lỗi website bị google phạt khi có sự khác biệt về nội dung giữa phiên bản AMP và trang web chính tắc (trang chuẩn).
Nội dung của phiên bản AMP về cơ bản phải tương đồng với nội dung của trang chuẩn. Văn bản có không cần giống hệt nhau nhưng chủ đề cơ bản phải khớp với nhau và người dùng hoàn toàn có thể thực hiện được cùng một thao tác trên cả trang AMP và trang chuẩn.
Các trang AMP một khi bị ảnh hưởng bởi hình phạt thủ công này sẽ không hiển thị trong Google tìm kiếm mà Google sẽ chỉ hiển thị phiên bản chuẩn.
2.12 Hành vi vi phạm chính sách của Tin tức và khám phá
Dưới đây là những hành vi vi phạm chính sách nội dung của Google Tin tức và Google Khám phá:
2.12.1 Nội dung người lớn/ khiêu dâm
Google sẽ “tuýt còi” khi nội dung trên trang web của bạn có chủ đề người lớn xuất hiện trong Discover, ví dụ như nội dung chứa ảnh khoả thân, hoạt động khiêu dâm hoặc tài liệu khiêu dâm. Ngoại trừ các thuật ngữ y tế hoặc khoa học.
Để không vi phạm lỗi này, bạn hãy luôn chú ý đến các thang nhãn dán phân loại theo độ tuổi hoặc đối tượng.
2.12.2 Làm mới giả tạo
- Cung cấp ngày xuất bản mới của một bài viết mà không thêm thông tin đáng kể hay lý do thuyết phục, hợp lý nào cho việc làm mới này
- Tạo một bài viết được cập nhật, điều chỉnh rất ít từ một bài viết đã từng xuất bản trước đó
Đây đều là 2 hành vi được Google cho là làm mới giả tạo và vi phạm chính sách của họ.
2.12.3 Nội dung nguy hiểm
Google luôn làm rất gắt gao trong việc cấm xuất bản những nội dung có thể trực tiếp gây ảnh hưởng tức thì và nghiêm trọng đến con người lẫn động vật. Vì vậy nếu website bạn sản xuất nội dung này bạn sẽ phải lĩnh án phạt.
Dưới đây là một số nội dung nguy hiểm mà bạn không được xuất bản:
- Hướng dẫn hoặc show ra cách giết hoặc làm hại đến người khác, chẳng hạn như hướng dẫn như cách để stalk và bắt cóc một đứa trẻ.
- Hướng dẫn hành vi gian lận hoặc trộm cắp.
- Đưa ra những thử thách có nguy cơ gây thương tích nặng nề hoặc nguy hiểm đến tính mạng người chơi
- Các sự kiện bạo lực nhằm cổ vũ hoặc tôn vinh các thảm kịch bạo lực
- Hướng dẫn làm ra hoặc sử dụng ma túy.
2.12.4 Nội dung quấy rối
Google sẽ cấm tiệt những trang web chứa nội dung quấy rối, bắt nạt hoặc đe dọa, bao gồm:
- Nội dung nhằm mục đích cô lập và ngược đãi ác ý một cá nhân nào đó
- Đe dọa gây tổn hại nghiêm trọng cho ai đó
- Mô tả gợi dục người khác không đúng với mong muốn của họ
- Tự ý tiết lộ thông tin cá nhân của người khác khiến họ gặp nguy cơ bị đe dọa
- Phân biệt đối xử hoặc xem thường nạn nhân của các thảm kịch
- Chối bỏ một hành vi bạo lực, gây hại
- Cùng các hình thức quấy rối khác
2.12.5 Nội dung thù địch
Google sẽ không chấp nhận các nội dung kích động thù địch như sau:
- Nội dung cổ xúy hoặc dung túng bạo lực
- Nội dung kích động hận thù chống lại một cá nhân hay một nhóm người dựa trên yếu tố chủng tộc hoặc tôn giáo, tình trạng khuyết tật, độ tuổi, quốc tịch, tình trạng cựu chiến binh, khuynh hướng tính dục, giới tính,…
- Nội dung phân biệt đối xử hoặc kỳ thị có hệ thống
2.12.6 Nội dung thao túng truyền thông
Google không chấp nhận những nội dung bóp méo và thao túng truyền thông.
Nội dung đó bao gồm âm thanh, video hoặc hình ảnh bị bóp méo để lừa gạt, gian lận hoặc gây hiểu lầm bằng cách diễn tả các hành động hoặc sự kiện không xảy ra trên thực tế. Việc này có thể gây ra các tác động tiêu cực lên xã hội với quy mô lớn:
- Khiến cho người xem hiểu sai hoặc nhìn nhận sai bản chất của hành động/ sự kiện.
- Có thể kéo theo việc gây tổn hại nghiêm trọng cho cá nhân hoặc nhóm người nào đó.
- Làm giảm đáng kể mức độ tin tưởng và mong muốn tham gia vào các quy trình dân sự hoặc bầu cử của người xem.
2.12.7 Nội dung y tế
Google không cho phép những nội dung mâu thuẫn hoặc đi ngược lại với các bằng chứng hoặc y tế đã được công nhận, chứng thực.
Nếu bạn mong muốn chia sẻ kiến thức về y tế nhưng không phải chuyên gia, cần làm việc với chuyên gia đã được công nhận để đảm bảo nội dung trên website chính xác và đáng tin.
2.12.8 Nội dung gây hiểu lầm
Nếu bạn dùng thủ thuật đánh lừa người dùng click vào website của mình bằng cách hứa hẹn những nội dung hấp dẫn, mời gọi nhưng nội dung cung cấp bên trong trang web lại khác hoàn toàn thì sẽ bị coi là gây hiểu lầm.
2.12.9 Nội dung khủng bố
Các nội dung cổ xuý hành động khủng bố hoặc cực đoan, bao gồm cả hoạt động chiêu mộ thành viên, kích động bạo lực hoặc ca ngợi các cuộc tấn công của quân khủng bố,… đều bị Google cấm. Vì thế khi xây dựng website bạn hãy tránh tất cả các nội dung hướng về chủ nghĩa cực đoan.
2.12.10 Vi phạm tính minh bạch
Google yêu cầu các nguồn tin tức mà bạn cung cấp phải có dòng ghi tên tác giả và ngày tháng rõ ràng, cũng như thông tin chính xác về tác giả, ấn bản, nhà xuất bản, công ty hoặc mạng lưới phát hành cùng với thông tin liên hệ.
Việc này là vì quyền lợi của người dùng khi mà khách truy cập vào trang web của bạn đều muốn có độ tin cậy, đồng thời muốn biết được ai là người sản xuất ra nội dung họ đang xem cũng như thông tin về người viết bài.
2.12.11 Nội dung bạo lực và đẫm máu
Google cấm những trang web có chứa nội dung kích động hoặc tung hô bạo lực. Chính sách của họ cũng không chấp nhận những nội dung bạo lực hoặc phản cảm quá mức nhằm mục đích gây sốc, gây phẫn nộ, kích thích cảm giác giật gân vô cớ cho người xem.
2.12.12 Ngôn từ thô tục và khiếm nhã
Google cấm những trang sử dụng ngôn từ thô tục, khiếm nhã mà không có mục đích chính đáng. Bộ máy của Google thực sự đủ thông minh để không bị bạn qua mặt. Vì thế dù là ngôn ngữ viết, nói hay thể hiện qua hình ảnh mà có tính thô tục, khiêu dâm vô cớ thì cũng sẽ bị quét ra.
2.13 Gian lận/ Pure spam
Như chúng tôi đã đề cập, Google không phải là đối tượng để bạn có thể trêu đùa và qua mặt. Nếu muốn xây dựng một trang web uy tín, bền vững, đáp ứng được hiệu quả SEO lẫn nhu cầu của doanh nghiệp, bạn phải biết hiểu và tuân theo chính xác Nguyên tắc quản trị trang web của Google.
Tuyệt đối không được spam! Khi đã dính án phạt với lỗi spam một lần, Google ít khi cho bạn một cơ hội khác sau đó nếu bạn vẫn tiếp tục spam.
3. Những câu hỏi thường gặp khi website bị google phạt
3.1 Sau khi đã khắc phục các vấn đề và gửi “Yêu cầu xem xét lại”, mất bao lâu quá trình này mới hoàn tất?
Hầu hết các trường hợp xem xét lại mất từ vài ngày đến vài tuần. Một số trường hợp như yêu cầu xem xét lại liên quan đến các đường liên kết như thì thời gian xem xét có thể lâu hơn bình thường.
3.2 Google có thông báo khi xử lý “Yêu cầu xem xét lại” hay không?
Bạn hãy yên tâm, khi ra hình phạt thủ công lên trang web của bạn Google có thông báo rõ ràng thì khi nhận được yêu cầu xem xét lại, Google cũng sẽ thông báo qua email để bạn biết rằng họ đang xử lý yêu cầu đó. Bạn cũng sẽ nhận được email sau khi quá trình xem xét lại đã hoàn tất.
Lưu ý không gửi lại yêu cầu cho Google trước khi bạn nhận được quyết định về bất kỳ yêu cầu đang xử lý nào.
3.3 Các backlink xấu được xây dựng từ nhiều năm trước có thể khiến website bị Google phạt lỗi liên kết bất thường hay không?
Tuổi thọ của một liên kết hoàn toàn không ảnh hưởng đến khả năng xử phạt của Google. Không có sự phân biệt giữa các liên kết độc hại gần đây và cũ, dù backlink xấu được xây dựng từ nhiều năm trước vẫn có thể khiến bạn nhận một thao tác thủ công. Chẳng hạn như năm nay website bạn vẫn có thể bị phạt vì các backlink xấu từ tận năm 2016 – 2018.
Với những chủ doanh nghiệp, nếu bạn không có thời gian SEO mà vẫn sợ website bị google phạt, thì bạn nên tìm hiểu những điều cần biết trước khi đầu tư SEO để tránh những hậu quả đáng tiếc khi thuê phải một team SEO không có tâm.
Trên đây DGM Asia đã tổng hợp tất cả trường hợp website bị google phạt cũng như giải đáp những thắc mắc thường gặp xoay quanh chủ đề này. Trong cả quá trình làm SEO có thể khó tránh khỏi sai sót, vì thế “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, ngay từ đầu hãy tập trung xây dựng website một cách lành mạnh, có nguyên tắc và luôn sử dụng chiến thuật mũ trắng. Đội ngũ chuyên viên lành nghề, giàu kinh nghiệm của DGM Asia có thể đồng hành và hỗ trợ bạn phát triển website bền vững, xử lý rủi ro nhanh chóng, hiệu quả, giúp tăng doanh thu và tăng độ uy tín của thương hiệu!